Bình Phước có bao nhiêu đô thị, thị xã, thành phố vào năm 2030?
24/11/2022 | 19:03Theo Đề án phát triển đô thị tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, số lượng đô thị toàn tỉnh đến năm 2025 khoảng 18 đô thị, đến năm 2030 khoảng 22 đô thị.
Đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hoá cấp đô thị.
Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025: Nâng cấp các xã đủ tiêu chuẩn lên đô thị loại V để hình thành 07 đô thị mới đối với các xã: Đức Liễu (huyện Bù Đăng), Bù Nho (huyện Phú Riềng), Đồng Nơ (huyện Hớn Quản), Tân Lập và Tân Hòa (huyện Đồng Phú), Lộc Hiệp (huyện Lộc Ninh), Thiện Hưng (huyện Bù Đốp).
Giai đoạn 2026 – 2030: Đầu tư phát triển các đô thị: Đồng Xoài hướng đến là đô thị loại II; Bình Long, Phước Long, Chơn Thành hướng đến là đô thị loại III; Tân Khai (huyện Hớn Quản) và đô thị Đồng Phú hướng đến là đô thị loại IV.
Nâng cấp các xã đủ tiêu chuẩn lên đô thị loại V để hình thành 04 đô thị mới đối với các xã: Tân Tiến (huyện Đồng Phú), Lộc Thái (huyện Lộc Ninh), Thanh An và Tân Hưng (huyện Hớn Quản).
Hình thành khu đô thị mới tại vùng đô thị phía Nam khu vực cầu Nha Bích và hồ Phước Hòa để liên kết đô thị động lực vùng phía Nam Đồng Xoài – Chơn Thành. Không gian phát triển đô thị là hành lang Sông Bé, hồ Phước Hòa, hệ thống bậc thang hồ Suối Cam và trục Quốc lộ 14.
Đô thị loại III là thành phố hoặc thị xã thuộc tỉnh có các phường nội thành, nội thị và các xã ngoại thành, ngoại thị. Đô thị loại IV là thị xã thuộc tỉnh có các phường nội thị và các xã ngoại thị. Đô thị loại IV, đô thị loại V là thị trấn thuộc huyện có các khu phố xây dựng tập trung và có thể có các điểm dân cư nông thôn.
Về định hướng phát triển cho từng đô thị:
Đô thị Đồng Xoài: Là trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh, đô thị cấp vùng phía Đông Bắc của vùng Thành phố Hồ Chí Minh, với định hướng phát triển là “Đô thị hiện đại, sinh thái và thông minh”. Ưu tiên phát triển đô thị mới khu vực phía Tây và Tây Bắc thành phố để liên kết với đô thị Chơn Thành, trọng tâm phát triển là hành lang lưu vực Sông Bé, hồ Phước Hòa, các bậc thang hồ Suối Cam và Quốc lộ 14. Quy hoạch, phát triển mở rộng không gian đô thị mới của thành phố Đồng Xoài tại khu vực hồ Suối Cam và phát triển về phía Nam, phía Tây Nam để liên kết với đô thị Chơn Thành và Đồng Phú.
Đô thị Chơn Thành: Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế văn hóa và xã hội của huyện Chơn Thành, với định hướng phát triển là “đô thị năng động, sinh thái và thông minh”. Ưu tiên phát triển đô thị mới gắn với các khu, cụm công nghiệp. Quy hoạch, phát triển đô thị mới khu vực phía Đông để liên kết với đô thị Đồng Xoài, trọng tâm phát triển là hành lang lưu vực Sông Bé, hồ Phước Hòa và Quốc lộ 14.
Đô thị Đồng Phú: Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế văn hóa và xã hội của huyện Đồng Phú, với định hướng phát triển là “Đô thị năng động, sinh thái và kết nối. Ưu tiên phát triển đô thị mới, kết hợp chỉnh trang đô thị cũ một cách phù hợp. Quy hoạch và định hướng phát triển đô thị Tân Hòa để liên kết với đường Đồng Phú – Bình Dương và khu công nghiệp, dân cư Đồng Phú.
Đô thị Bình Long: Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế văn hóa và xã hội của thị xã Bình Long, với định hướng phát triển là “Đô thị bản sắc, sinh thái và văn minh”. Ưu tiên cải tạo chỉnh trang đô thị hiện hữu, kết hợp phát triển đô thị mới; phát triển không gian đô thị về phía Tây và phía Đông.
Đô thị Hớn Quản: Là đô thị trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế văn hóa và xã hội của huyện Hớn Quản và thuộc vùng động lực phát triển phía Tây của tỉnh. Ưu tiên phát triển đô thị mới gắn với phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Mở rộng không gian phát triển đô thị về phía Bắc đế kết nối với đô thị hạt nhân trong vùng phía Tây của tỉnh.
Đô thị Lộc Ninh: Là đô thị trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế văn hóa và xã hội của huyện Lộc Ninh. Ưu tiên phát triển đô thị mới gắn với công nghiệp cửa khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và đảm bảo an ninh quốc phòng. Việc phát triển không gian đô thị Lộc Ninh và Khu kinh tế Hoa Lư cần chú trọng đến việc nâng cấp mở rộng và đảm bảo hành lang an toàn của tuyến Quốc lộ 13 và các tuyến đường vành đai.
Đô thị Phước Long: Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế văn hóa và xã hội của thị xã Phước Long, với định hướng phát triển là “Đô thị sinh thái, bản sắc và văn minh”. Ưu tiên cải tạo, chỉnh trang đô thị hiện hữu, kết hợp phát triển đô thị mới. Quy hoạch, phát triển mở rộng không gian đô thị về phía Tây và phía Nam.
Đô thị Bù Đốp: Là đô thị trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế văn hóa và xã hội của huyện Bù Đốp. Ưu tiên phát triển đô thị mới gắn với công nghiệp cửa khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và đảm bảo an ninh quốc phòng. Việc phát triển không gian đô thị Bù Đốp cũng như đô thị mới cần chú trọng đến việc nâng cấp mở rộng và đảm bảo hành lang an toàn của tuyến ĐT.759, ĐT.759B và các tuyến đường vành đai.
Đô thị Bù Gia Mập: Là đô thị trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội của huyện Bù Gia Mập. Ưu tiên phát triển đô thị mới gắn với thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đảm bảo an ninh quốc phòng. Quy hoạch phát triển mở rộng không gian đô thị Bù Gia Mập, trên cơ sở địa giới hành chính của xã Phú Nghĩa (đô thị Phú Nghĩa), ưu tiên phát triển theo hành lang trục giao thông tỉnh lộ ĐT.741 và ĐT.760.
Đô thị Phú Riềng: Là đô thị trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội của huyện Phú Riềng. Ưu tiên phát triển đô thị mới gắn với các khu, cụm công nghiệp và các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đô thị Bù Đăng: Là đô thị trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội của huyện Bù Đăng. Ưu tiên phát triển đô thị thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với phát triển các cụm công nghiệp và các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việc phát triển không gian đô thị Bù Đăng và các đô thị mới cần chú trọng đến việc nâng cấp mở rộng và đảm bảo hành lang an toàn của tuyến Quốc lộ 14 và các tuyến đường vành đai. Ưu tiên phát triển không gian đô thị mới về phía Nam và Tây Nam của đô thị hiện hữu.
Danh mục: Tin tức Bất động sản