Khởi công dự án “khủng” sân bay Long Thành

01/09/2023 | 19:30

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khởi công gói thầu “khủng” dự án sân bay Long Thành (xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).

Chiều 31/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ khởi công 3 gói thầu chính xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai và Nhà ga Hành khách T3 – Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng mức đầu tư lên đến 52.000 tỷ đồng, chào mừng kỷ niệm 78 năm Quốc khánh 2/9 (2/9/1945-2/9/2023).

Các gói thầu được khởi công xây dựng gồm Gói thầu số 5.10: thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga Hành khách, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1; gói thầu số 4.6 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1; gói thầu số 12: thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga Hành khách T3, Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Sơ lược dự án Sân bay Long Thành

Gói thầu số 5.10: thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga Hành khách, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành có giá trị lên đến hơn 35.000 tỷ đồng; là gói thầu được đánh giá có giá trị lớn và có tính chất phức tạp nhất hiện nay, thời gian thi công nhà thầu đề xuất 39 tháng, do liên danh nhà thầu Vietur thi công.

Nhà ga lấy hình ảnh hoa sen làm ý tưởng chính và được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục, được bố trí theo dạng tập trung gồm khu vực trung tâm và 3 cánh.

Cùng với đó, gói thầu số 4.6: thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư hơn 7.308 tỷ đồng, với thời gian thi công khoảng 700 ngày, là gói thầu lớn thứ 2 thuộc dự án thành phần 3 của dự án Sân bay Long Thành.

Đây là gói thầu có tính chất quan trọng của dự án, tham gia liên quan trực tiếp vào hoạt động bay an toàn.

Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 là dự án quan trọng Quốc gia, công trình cấp đặc biệt, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam với quy mô đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Nếu hoàn thành tất cả các giai đoạn, Sân bay Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai và hướng tới trở thành một trong những Cảng Hàng không trung chuyển nhộn nhịp trong khu vực.

san-bay-long-thanh-1

Xây dựng Nhà ga Hành khách T3, Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất

Bên cạnh đó, gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga Hành khách T3 là gói thầu quan trọng và lớn nhất của Dự án “Xây dựng Nhà ga Hành khách T3, Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất”; với giá trúng thầu hơn 9.300 tỷ đồng do các nhà thầu trong nước thực hiện; dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2025.

Nhà ga Hành khách T3 sau khi hoàn thành sẽ là Nhà ga Hành khách quốc nội có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm, khai thác được tất cả các loại tàu bay Code C và Code E.

Dấu ấn trong sự nghiệp phát triển ngành hàng không

Đại diện các nhà thầu thi công, nhà thầu giám sát thi công các gói thầu cam kết thi công và giám sát thi công các gói thầu đảm bảo theo tiến độ, chất lượng để các Cảng Hàng không của Việt Nam được xây dựng hiện đại, trở thành một trong những trung tâm hàng không lớn của khu vực và quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trước khi phát lệnh khởi công 3 gói thầu, phải phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước ta.

Thực tiễn đã chứng minh, giao thông vận tải nói chung và sân bay, bến cảng nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế-xã hội. Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả. Trong đó, hạ tầng hàng không có tính đặc thù cao, phức tạp và hội nhập quốc tế sâu rộng.

“Việc phát triển hàng không vừa có tính kinh tế cao, tiết kiệm thời gian, kết nối rộng rãi toàn thế giới, phù hợp với xu thế hợp tác và phát triển trên thế giới,” Thủ tướng chỉ rõ.

Dự án “Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1” và Dự án “Xây dựng Nhà ga Hành khách T3-Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất” là 2 Dự án đặc biệt lớn, có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống mạng Cảng Hàng không Quốc gia, thuộc công trình quan trọng liên quan đến an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Khi đưa vào hoạt động, hai dự án này sẽ góp phần giúp Việt Nam trở thành trung tâm vận chuyển lớn trong khu vực và trên thế giới, mở ra không gian phát triển mới với “hệ sinh thái kinh tế sân bay,” tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và biểu dương Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) và các bộ, ngành có liên quan đã chủ động, tích cực phối hợp cùng tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là các thủ tục về đấu thầu, đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư, vốn và đã hoàn thành các thủ tục theo quy định để khởi công 3 gói thầu quan trọng này.

 

Cùng với đó, yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo chủ đầu tư tổ chức triển khai dự án bảo đảm chất lượng, an toàn, phấn đấu vượt tiến độ, sớm hoàn thành dự án, đưa vào khai thác sử dụng, không đội vốn bất hợp lý, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai chủ động đẩy nhanh các dự án giao thông kết nối với Nhà ga Hành khách để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả khi đưa Nhà ga Hành khách vào khai thác.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) chủ động phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện; tích cực kiểm tra, giám sát quá trình thi công bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, kỹ-mỹ thuật, tuyệt đối an toàn, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí.

Các nhà thầu thi công đặt trách nhiệm lên hàng đầu, thực hiện nghiêm quy định pháp luật về xây dựng, huy động đủ máy móc, thiết bị, nhân lực để thi công công trình bảo đảm chất lượng, tiến độ; nghiêm cấm việc sử dụng nguyên vật liệu không đủ tiêu chuẩn, chất lượng, hoặc thi công không đủ nguyên vật liệu theo yêu cầu…

Chủ đầu tư, tư vấn giám sát chặt  phải chịu trách nhiệm nếu các nhà thầu thi công có sai phạm làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

“Các nhà thầu đã cam kết rồi thì phải thực hiện, làm phải có hiệu quả bằng sản phẩm cụ thể, đúng chất lượng, đúng quy định, đúng tiến độ, không lãng phí, tiêu cực; quá trình thi công phải khoa học, an toàn,” Thủ tướng nhắc nhở.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị nhân dân trong vùng ảnh hưởng, tác động của Dự án tiếp tục đồng hành, vì lợi ích quốc gia; ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để dự án hoàn thành thuận lợi, đúng kế hoạch; khẳng định Chính phủ, các Ban Chỉ đạo với trách nhiệm và quyền hạn sẽ hết sức ủng hộ và hỗ trợ để chủ đầu tư, nhà thầu hoàn thành hai Dự án có ý nghĩa rất quan trọng này.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh 6 yêu cầu mà các chủ thể tham gia triển khai dự án phải nghiêm túc quán triệt, thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ; bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường sinh thái; không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp; kịp thời khen thưởng khi làm tốt và kịp thời xử lý khi xảy ra sai phạm.

Tại 2 điểm cầu (Long Thành, Đồng Nai và Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương cùng thực hiện nghi thức phát lệnh khởi công đồng loạt 3 gói thầu quan trọng thuộc Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành và Dự án “Xây dựng Nhà ga Hành khách T3-Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất”.

Nhà nước thu hồi đất ở các trường hợp nào?

Danh mục: