Nghị quyết 18 tăng vai trò của dân trong giám sát chính sách đất đai
29/08/2022 | 22:00Luật sư Ngô Ngọc Trai
Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội
Mới đây Nghị quyết số 18-NQ/TW về chính sách đất đai đã được công bố rộng rãi công khai tới người dân.
Đây là kết quả của hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 13, có tiêu đề đầy đủ cụ thể là “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Đề cao giám sát của nhân dân
Một điều nhận thấy là nghị quyết rất coi trọng vai trò giám sát của nhân dân trong việc thực hiện chính sách pháp luật đất đai.
Một đoạn viết: “Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân trong xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.”
Đoạn khác viết: “Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội các cấp và nhân dân; phát hiện và phản ánh kịp thời những vướng mắc, bất cập, sai phạm trong thi hành chính sách, pháp luật về đất đai để xử lý kịp thời, hiệu quả.”
Một đoạn nữa lại viết: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, đẩy mạnh vận động các tầng lớp nhân dân tích cực chấp hành và tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết và chính sách, pháp luật về đất đai.”
Trong một văn bản không dài lắm đã nhiều lần nhắc đến vai trò giám sát của nhân dân, cho thấy quan điểm coi trọng đề cao.
Đây là tinh thần mới nếu so với nghị quyết số 19-NQ/TW cũng của Ban Chấp hành Trung ương năm 2012 về chính sách đất đai thì văn bản khi đó chỉ viết nội dung về phát huy vai trò của nhân dân trong việc thực hiện chính sách pháp luật đất đai, còn nay đề cao vai trò trong xây dựng giám sát và phản biện.
Quan tâm để ý tới điều này là bởi vì lâu nay bản thân tôi là luật sư đã có nhiều bài báo chia sẻ phân tích về các vấn đề đất đai khác nhau. Cuối năm 2021, cuốn sách ‘Người Bắc Cầu Ô Thước’ được cấp phép xuất bản cũng có nhiều nội dung phân tích về các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Nội dung nghị quyết như thế, theo tôi thấy là đã ghi nhận vai trò của người dân trong giám sát, phản biện chính sách pháp luật đất đai và mở ra những khung cơ chế mới cho việc này.
Nông nghiệp, nông dân và nông thôn
Khi văn bản nghị quyết được công khai, nhiều chuyên gia về chính sách công đã đưa ra những đánh giá về các điểm mới đáng lưu ý như bãi bỏ khung giá đất, đánh thuế lũy tiến cao hơn đối với người sử dụng nhiều đất.
Bản thân tôi do được sinh ra và lớn lên ở nông thôn, quá trình hành nghề luật sư lại tham gia giải quyết nhiều vụ việc khiếu kiện đất đai cho người nông dân, thành thử ra tôi dành mối quan tâm nhiều hơn đến những nội dung trong nghị quyết liên quan tới nông dân nông nghiệp và nông thôn.
Trước đó trong cuốn sách ‘Người Bắc Cầu Ô Thước’ đã phản ánh một thực trạng đất đai ở nông thôn, đó là tồn tại tình trạng lai tạp về chủ quyền sử dụng, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế.
Gần 30 năm trước, thời điểm năm 1993, khi đó nhà nước đã thực hiện chính sách phân chia ruộng đất từ các hợp tác xã làm ăn tập thể, chia cho các đơn vị sản xuất theo hộ gia đình, ở vùng đồng bằng Bắc Bộ mỗi đầu nhân khẩu được cấp từ 1,5 đến 2 sào, mỗi sào 360 mét vuông.
Chính quyền nhà nước khi ấy đã cấp cho mỗi hộ gia đình một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên người cha hoặc mẹ là chủ hộ gia đình. Từ đó đến nay trong suốt thời gian đó có biết bao nhiêu biến động nhân khẩu xung quanh đơn vị hộ gia đình.
Phổ biến nhất là những người con trong gia đình đã trưởng thành, lấy vợ lấy chồng lập gia đình mới được bố mẹ chia trả cho ruộng canh tác đã được cấp theo đầu nhân khẩu trước kia, hoặc khi người cha hoặc mẹ mất đi phát sinh việc phân chia di sản đất đai cho các con.
Lúc này, những người con canh tác mảnh ruộng vườn thuộc về mình, nhưng giấy tờ chứng nhận lại vẫn là giấy tờ cũ đứng tên bố mẹ khi xưa.
Công tác cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã không đủ tích cực để thúc đẩy cấp mới cho những trường hợp như vậy, khiến cho hàng vạn mảnh ruộng vườn ở vào tình trạng lai tạp không rõ ràng về chủ quyền sử dụng.
Từ đó gây khó khăn cho hoạt động lưu thông đất đai trong nền kinh tế, gây hạn chế trong việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất như chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh.
Điều đó đã dẫn đến một thực tế mà Ban chấp hành trung ương đã phải ghi nhận trong nghị quyết 18 là thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp còn chậm phát triển.
Bởi vậy nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu tổng quát là hoàn thiện thể chế chính sách về quản lý và sử dụng đất, đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để đảm bảo nguồn lực đất đai được quản lý khai thác sử dụng hiệu quả cao nhất.
Một bất cập khác được phản ánh trong cuốn sách là việc người dân không được quyền tự chủ lựa chọn mục đích sử dụng đất.
Tôi có dẫn chứng một ví dụ ở Nam Định, đó là một hộ gia đình đã bị chính quyền địa phương cưỡng chế phá dỡ xưởng sản xuất do đặt máy ép nhựa và ấp trứng gia cầm trên đất nông nghiệp, dẫn tới hệ quả xấu cho phát triển kinh tế hộ gia đình.
Những sự vụ như vậy rất phổ biến gián tiếp làm giảm sức phát triển kinh tế xã hội.
Khi xem trong Nghị quyết số 18-NQ/TW thì đã thấy có nội dung tháo gỡ cho việc này, trong đó có đoạn viết: “Hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý sử dụng đất nông nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch.”
Một đoạn khác viết: “Kịp thời có chính sách phù hợp để đất nông nghiệp được khai thác, sử dụng với hiệu quả cao nhất.”
Những nội dung mới này của nghị quyết tạo hy vọng về những giải pháp tháo gỡ cho các hoạt động canh tác sử dụng đất hiện nay.
Song thực tế quyền sử dụng đất được minh định ra sao và mở rộng đến đâu, nhà nước sẽ có chính sách dung hòa ra sao giữa mục tiêu kiểm soát việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tránh bừa bãi, và nhu cầu cải thiện kinh tế hộ gia đình rất chính đáng từ việc chuyển đổi để gia tăng hiệu quả kinh tế, thì cũng còn phải chờ thời gian mới rõ.
Bởi sau khi nghị quyết được ban hành, đó sẽ là cơ sở để luật đất đai được sửa đổi và các chính sách mới liên quan đến sử dụng đất được xây mới ban hành.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của LS Ngô Ngọc Trai từ văn phòng luật Công Chính tại Hà Nội.
Danh mục: Tin tức Bất động sản