Từ ‘Thế Giới Phẳng’ tới chuyện Văn phòng đăng ký đất đai ở Việt Nam
29/08/2022 | 21:45Luật sư Ngô Ngọc Trai
Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội
Với một đất nước gần 100 triệu dân và kinh tế xã hội đang trên đà phát triển như Việt Nam, có vô số vấn đề đã và đang phát sinh trong đời sống xã hội cần có giải pháp, chính sách để tháo gỡ, giải quyết.
Trong đó, nhiều giải pháp chính sách có thể có được gợi ý từ việc đọc sách.
Thế Giới Phẳng
Trong cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 2005, tác giả Thomas Friedman, biên tập viên của tạp chí New York Times, có kể một câu chuyện như sau:
Khi các nước phương Tây bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số, họ có nhu cầu số hóa để lưu trữ những kho tư liệu sách vở và các tài liệu bản giấy, chuyển hóa chúng thành bản dữ liệu số, để thuận lợi cho việc lưu trữ bảo quản và tra cứu chia sẻ tài liệu.
Các đơn vị ở các nước Âu Mỹ đã nhờ các công ty cung cấp dịch vụ của các nước thứ ba như Ấn Độ, Malaysia để chụp, scan hoặc đánh máy lại các tác phẩm trong những kho sách báo của các trường đại học, các viện nghiên cứu, gồm cả những tác phẩm lâu đời trong lịch sử.
Bằng cách đó, các đơn vị ở các nước Âu Mỹ đã số hóa các kho tài liệu đồ sộ của họ, khi chuyển thành dữ liệu lưu trữ thì rất dễ cho việc tra cứu, chia sẻ, nhất là khi có mạng internet khiến nhu cầu chia sẻ dữ liệu rất cao.
Đó là câu chuyện của những năm 1990s, các nước Âu Mỹ sử dụng dịch vụ của các nước đi sau vì những việc làm đó kém hấp dẫn hoặc chi phí cao nếu sử dụng lao động tại các nước Âu Mỹ, có thể xem đó cũng như là một sự phân công lao động trong lĩnh vực phát triển ngành công nghệ thông tin trong kỷ nguyên số hóa.
Thực trạng Việt Nam
Dẫn ra câu chuyện này để quay trở lại với một vấn đề hiện nay tại Việt Nam như sau.
Mới đây tôi có bài viết ‘Nhà nước cần chấn chỉnh hoạt động của văn phòng đăng ký đất đai’, phản ánh sự chậm trễ của một văn phòng đăng ký đất đai trong việc cung cấp thông tin đất đai cho người dân khi có yêu cầu.
Theo quy định thì việc cung cấp được thực hiện ngay trong ngày, nếu yêu cầu đưa đến sau 15 giờ chiều thì kết quả nhận vào ngày hôm sau theo quy định của Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT.
Kết quả mà tôi nhận được chậm hơn rất nhiều so với thời hạn trên, quá trình trao đổi chuyên viên của Văn phòng đăng ký đất đai cho biết những dữ liệu được yêu cầu họ phải đi xin lại từ Phòng tài nguyên môi trường.
Mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các văn bản hướng dẫn chi tiết về việc xây dựng quản lý và khai thác hệ thống thông tin đất đai cũng như hướng dẫn về hoạt động cung cấp thông tin của Văn phòng đăng ký đất đai, và hướng dẫn về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan.
Nhưng thực tế việc cung cấp thông tin cho người dân vẫn rất hạn chế kém xa so với mong muốn đặt ra của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định về hoạt động này.
Việc cung cấp thông tin cũng kém xa so với kỳ vọng của các chủ trương định hướng của nhà nước muốn chú trọng cho việc này để thúc đẩy thị trường đất đai trở lên minh bạch lành mạnh đóng góp nhiều hơn cho phát triển nền kinh tế.
Danh mục: Tin tức Bất động sản